Gấp rút thu hồi nợ, Sacombank giảm giá mạnh nhiều bất động sản trăm tỷ ở TPHCM
Sacombank giảm giá mạnh nhiều bất động sản trăm tỷ ở TPHCM.
Cụ thể, trong thông báo ngày 26/8/2022, Sacombank đã giảm giá 135 tỷ đồng còn 365 tỷ đồng cho thửa đất gần 6ha. Đây là thửa đất số 328, Tờ bản đồ số 35 nằm tại Lô A18, Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM, thời hạn sử dụng đất đến 29/12/2048.
Trước đó, vào hồi tháng 5/2022, Sacombank rao bán lô đất nói trên với giá 500 tỷ đồng.
Khu đất có mặt tiền giáp đường số 1 trục đường chính trong KCN Hiệp Phước, lòng đường trải nhựa hiện hữu rộng khoảng 20m, mặt bên giáp nhánh của sông Soài Rạp, vị trí tọa lạc dưới chân cầu Đông Điền, cách cổng chính KCN khoảng 500m, cách giao lộ Nguyễn Hữu Thọ – Phạm Hữu Lầu khoảng 7,6km; cách giao lộ Nguyễn Hữu Thọ – Nguyễn Văn Linh khoảng 13km; thuộc KCN Hiệp Phước (giai đoạn 1).
Công trình nhà xưởng trên đất tại Lô A18, Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Tài sản nói trên có nguồn gốc là quyền tài sản phát sinh từ giao dịch nhận tài sản cấn trừ nợ giữa Ngân hàng TMCP Phương Nam (nay đã sáp nhập vào Sacombank) và Công ty Cổ phần Thuộc da Hào Dương.
Không riêng khu đất nói trên, Sacombank cũng giảm giá phần lớn các bất động sản tại khu vực TP.HCM sau nhiều lần rao bán không thành.
Sacombank rao bán lô đất 41-45 đường 281 Lý Thường Kiệt, phường 12, quận 11, TPHCM.
Chẳng hạn như lô bất động sản và khách sạn 9 tầng Ngân Kiều tại số 41-45 đường 281 Lý Thường Kiệt, phường 12, quận 11, tháng 9/2020, Sacombank vẫn rao bán bất động sản này với giá 122 tỷ đồng, nhưng đến nay đã giảm 15%, còn 103,7 tỷ đồng.
Sacombank rao bán lô đất tại số 28-30 Nguyễn Biểu, phường 1, quận 5, TPHCM.
Với lô bất động sản 1.774 m2 tại số 28-30 Nguyễn Biểu, phường 1, quận 5, hồi tháng 6 năm nay được ra giá khởi điểm ở mức 530,5 tỷ, tương đương 299 triệu/m2. Đến nay, giá khởi điểm lô đất này đã giảm còn 387 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 27% chỉ sau vài tháng.
Hai lô đất trăm tỷ nói trên đều là tài sản thế chấp cho các khoản vay phát sinh từ thời Ngân hàng TMCP Phương Nam.
Sacombank thực hiện sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam vào năm 2015, trở thành ngân hàng lớn thứ 5 trong hệ thống, thế nhưng chất lượng tài sản lúc đó xuống dốc mạnh. Tổng dư nợ xấu và tài sản tồn đọng năm 2016 lên gần 97.000 tỷ đồng.
Trong 5 năm qua, ban lãnh đạo Sacombank xử lý nợ xấu khá quyết liệt. Trong năm 2021, Sacombank đã thu hồi gần 14.100 tỷ đồng (trong đó thuộc đề án tái cơ cấu đến năm 2025 là gần 11.800 tỷ đồng).
6 tháng đầu năm 2022, Sacombank cho biết công tác thu hồi, xử lý nợ xấu được đẩy mạnh với hơn 12.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng được xử lý, đưa tỷ lệ nợ xấu giảm về mức 1,22%.
Nguồn: CafeLand
Có thể bạn quan tâm:
- Liên kết vùng: Doanh nghiệp đồng hành phát triển kinh tế
- Cao tốc Tân Phú – Liên Khương ‘định hình tương lai Lâm Đồng’ khởi công tháng 6/2023
- Cần bao nhiêu tiền để sở hữu nhà phố liền kề ngay Quận 12