Điểm lại những tuyến cao tốc ngàn tỉ thông xe trong năm 2022
Điểm lại những tuyến cao tốc ngàn tỉ thông xe trong năm 2022
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận
Ngày 27/4/2022, tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài 51km chính thức khánh thành sau 13 năm khởi công.
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, khởi công năm 2009, dài hơn 51 km, đi qua 5 huyện của Tiền Giang. Dự án kết nối với cao tốc TP.HCM – Trung Lương tạo nên tuyến giao thông quan trọng kết nối khu vực Tây Nam Bộ với TP.HCM.
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (hình: PLO)
Theo kế hoạch ban đầu, dư án sẽ được hoàn thành vào năm 2013, tổng vốn đầu tư lúc bấy giờ là hơn 14.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ liên tục, chủ đầu tư bị thay đổi và tổng vốn đầu tư được kéo giảm xuống còn hơn 12.000 tỉ đồng. Dự án được đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP), trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ là 2.186 tỉ đồng, còn lại là vốn BOT.
Đầu năm 2021, khi dự án chỉ mới hoàn thành được khoảng 77% nhà đầu tư cũng đã phải tổ chức cho thông tuyến để giảm áp lực cho các tuyến giao thông khác vào dịp Tết cổ truyền.
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái
Được khởi công ngày 3/4/2019, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái dài gần 80 km với 4 làn xe, bề rộng mặt đường 25,25 m. Tuyến đường đi qua các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và TP Móng Cái.
Trong đó đoạn Vân Đồn – Tiên Yên dài 16,8 km được triển khai theo hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư hơn 3.650 tỉ đồng. Tuyến Tiên Yên – Móng Cái dài 63,2 km theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư hơn 9.110 tỉ đồng. Dự án do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn (thuộc Tập đoàn Sun Group) làm chủ đầu tư.
Cầu Tiên Yên thuộc Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái (hình: VNE)
Sau khi khánh thành, tuyến cao tốc sẽ rút ngắn thời gian từ Vân Đồn đi Móng Cái xuống còn 50 phút thay vì 2 giờ; liên thông với hai cao tốc Bạch Đằng – Hạ Long, Hạ Long – Vân Đồn thành trục dài 176 km, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có số km cao tốc lớn nhất cả nước.
Trục đường này kết nối với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, rút ngắn thời gian từ TP.Hà Nội đến TP.Móng Cái chỉ còn 3 giờ, thay vì 5,5 giờ như trước kia.
Tuyến đường đưa vào sử dụng kết nối đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể với cao tốc Lào Cai – TP Hà Nội – TP Hải Phòng – TP Hạ Long – Vân Đồn – TP Móng Cái , tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam (gần 600km).
Cao tốc La Sơn – Hòa Liên
Dự án cao tốc La Sơn – Hòa Liên đã chính thức được đưa vào khai thác từ ngày 16/4/2022. Đoạn cao tốc này có chiều dài 66 km, bắt đầu từ ngã ba La Sơn (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đến nút giao Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 với quy mô 2 làn xe cơ giới, bề rộng mặt đường 12m, tốc độ thiết kế là 60-80 km. Dự án được khởi công tháng 12/2013, theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) với tổng mức đầu tư 11.485 tỉ đồng.
Cao tốc La Sơn – Hòa Liên (hình: PLO)
Dự án có thể được coi là là một trong những đoạn tuyến cao tốc đẹp nhất khu vực miền Trung, bởi con đường xuyên qua vùng lõi của Vườn Quốc gia Bạch Mã. Dự án cao tốc La Sơn – Hòa Liên đưa vào khai thác có điều kiện nhằm giảm tải QL1, mở rộng kết nối giao thương cho các địa phương Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi.
Cao tốc Cam Lộ – La Sơn
Bộ Giao thông vận tải mới đã có văn bản gửi Ban QLDA đường Hồ Chí Minh về phương án tổ chức khai thác dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc đoạn Cam Lộ – La Sơn khi dự án này thông xe vào cuối tháng 12/2022.
Dự án cao tốc Cam Lộ – La Sơn, tổng mức đầu tư khoảng 7.699 tỉ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Dự án có tổng chiều dài trên 98km đi qua các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Điểm đầu dự án tại Quốc lộ 9, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị và điểm cuối thuộc xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cao tốc Cam Lộ – La Sơn
Dự án chia làm 11 gói thầu xây lắp, sau 3 năm thi công, cao tốc đã thành hình với 2 làn xe, mặt đường rộng 12m. Khi đi vào khai thác, cao tốc Cam Lộ – La Sơn sẽ kết nối với cao tốc La Sơn – Túy Loan, trở thành tuyến đường quan trọng phục vụ phát triển kinh tế và giảm lưu lượng xe cho quốc lộ 1A.
Cao tốc Cam Lộ – La Sơn một trong số các đoạn tuyến của tuyến đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017–2020, đặt mục tiêu thông xe trong năm 2022. Các đoạn còn lại bao gồm: Vĩnh Hảo – Phan Thiết; Phan Thiết – Dầu Giây và Hòa Liên Túy Loan.
Nguồn :cafeland.vn