Luang Prabang – thị trấn vào top đẹp nhất thế giới của Lào
Một trong những trải nghiệm được du khách yêu thích nhất khi đến cố đô Luang Prabang là xem nghi lễ khất thực truyền thống của các nhà sư.
Cố đô nằm ở phía bắc, trên một bán đảo được hình thành bởi sông Mekong và Nam Khan. Các dãy núi, đặc biệt là Phou Thao và Phou Nang bao quanh thị trấn, mang lại cho Luang Prabang một màu xanh mát mắt. Tháng 12/1994, nơi này được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Tháng 5, tạp chí du lịch Mỹ CnTraveller đưa nơi này vào danh sách 50 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới 2023.
Có nhiều truyền thuyết gắn với thị trấn. Câu chuyện phổ biến nhất là Đức Phật đã mỉm cười khi nghỉ lại nơi này trong chuyến du hành. Người nói rằng một ngày nào đó thị trấn sẽ trở thành nơi giàu có, hùng mạnh.
Thị trấn từng có tên Muang Sua rồi Xieng Thong, là kinh đô của Lane Xang (vương quốc triệu voi) và triều đại Vua Sisavang Vong đến khi Vientiane trở thành thủ đô vào năm 1946. Thành phố Luang Prabang lấy tên từ một bức tượng Phật, Prabang, do Campuchia cúng dường. Ngày nay, nơi này vẫn đóng vai trò là trung tâm tôn giáo và tinh thần của đất nước, theo Phòng Tiếp thị Du lịch thuộc Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào.
Luang Prabang là ví dụ nổi bật về sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống, kiến trúc thời thuộc địa. Cảnh quan thị trấn được UNESCO đánh giá “độc đáo, bảo tồn tốt”. Phần lớn các tòa nhà truyền thống có cấu trúc bằng gỗ. Chỉ có những ngôi đền bằng đá. Những ngôi nhà gạch một hoặc hai tầng đại diện cho lối kiến trúc thuộc địa, thường có ban công.
Nhiều ngôi chùa được trang trí với tác phẩm điêu khắc, chạm khắc, tranh vẽ, đồ mạ vàng. Chùa Xieng Thong, có niên đại từ thế kỷ 16, là nơi có thiết kế phức tạp nhất trong các ngôi chùa ở đây.
Các địa điểm được ghé thăm nhiều nhất là wat Xieng Thong, bảo tàng Cung điện Hoàng gia, wat Manolom, wat Visounnarath và núi Phou Si. Phou Si là núi thiêng, nằm tại trung tâm thị trấn, diễn ra các nghi lễ nhằm xua đuổi các linh hồn xấu quấy nhiễu cuộc sống của người dân. Nếu muốn ghé các địa điểm đẹp nhưng vắng khách, có thể đi dọc sông Mekong ở quận Chomphet để ngắm các ngôi đền.
Bên ngoài thị trấn, du khách có thể ghé thăm thác Tad Kwang Si cùng Tad Sae, hang Tham Ting, làng Ban Xang Hai. Xa hơn nữa là Ngoi Khao, nôi làng yên tĩnh nằm bên bờ sông Nam Ou được bao quanh bởi các ngọn núi đá vôi dựng đứng.
Du khách đến đây bị thu hút bởi bầu không khí yên tĩnh và sự thân thiện của người dân. Cố đô cũng nổi tiếng với hàng dệt may, phù hợp để mua về làm quà. Các món ăn nên thử là Aur Lam (món hầm đặc làm từ thảo mộc, thịt, cà tím), Jaew Bong (nước sốt ốt cay và bì trâu) hay khai Pan (cỏ sông phơi khô chiên cùng vừng, tỏi).
Luang Parbang tổ chức tất cả lễ hội lớn của Lào theo phong cách riêng. Lớn nhất là Pi Mai Lao hay Tết Lào (13-15/4), kéo dài cả tuần với hội chợ thương mại, cuộc thi “Hoa hậu năm mới”, các cuộc diễu hành và nghi lễ tôn giáo. Cuối tháng 12 là Tết của người Hmong. Đây là thời điểm mà người dân khoe những bộ quần áo truyền thống đẹp nhất, tổ chức các buổi biểu diễn âm nhạc và các nghi lễ văn hóa. Ở Luang Prabang, các cuộc đua thuyền hàng năm được tổ chức vào cuối tháng 9, sớm hơn một tháng so với Vientiane và phần lớn nơi khác.
Một trong những trải nghiệm được du khách thích nhất khi đến thị trấn là quan sát nghi lễ khất thực buổi sáng. Các nhà sư đi bộ quanh thị trấn thành một hàng, mang theo bát khất thực. Lễ vật người dân dâng các vị sư gồm xôi, trái cây hoặc các món ăn nhẹ truyền thống.
Được gọi là “Binthabat” ở Lào, đây là một nghi lễ tôn giáo thiêng liêng. Khách du lịch có thể tham gia và chụp ảnh buổi lễ nhưng cần tôn trọng hoạt động truyền thống này và không làm ảnh hưởng đến các nhà sư.
NGuồn:vnexpress.net