Thông tin về Thành phố Vũng Tàu (BRVT)

Like0

Thông tin tổng quan về thành phố Vũng Tàu

Vị trí

Thành phố Vũng Tàu là thành phố thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ở vùng Đông Nam Bộ Việt Nam. Vũng Tàu từng là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa và giáo dục của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và là một trong những trung tâm kinh tế của vùng Đông Nam Bộ. Từ ngày 2 tháng 5 năm 2012, tỉnh lỵ Bà Rịa-Vũng Tàu chuyển đến thành phố Bà Rịa.

Thông tin về Thành phố Vũng Tàu (BRVT)

Vị trí Thành phố Vũng Tàu. Ảnh internet

Vũng Tàu bao gồm một phần lớn lãnh thổ nằm trên bán đảo cùng tên, cùng với đảo Long Sơn và đảo Gò Găng toạ lạc ở phía nam của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Thành phố nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 95 km về phía Đông Nam theo đường bộ và 80 km theo đường chim bay, và là cửa ngõ quan trọng của vùng Đông Nam Bộ ra biển.

Địa giới hành chính:

  • Phía đông giáp huyện Long Điền
  • Phía tây giáp vịnh Gành Rái
  • Phía nam, đông nam và tây nam giáp Biển Đông
  • Phía bắc giáp thành phố Bà Rịa và thị xã Phú Mỹ.

Nếu nhìn theo chiều Bắc-Nam, Vũng Tàu nằm ở khúc quanh đang đổi hướng từ Nam sang Tây của phần dưới chữ S (bản đồ Việt Nam) và nhô hẳn ra khỏi đất liền như một dải đất có chiều dài khoảng 14 km và chiều rộng khoảng 6 km.

Dân số

Thành phố Vũng Tàu có diện tích 141,1 km² và dân số 527.025 người (năm 2018). Theo thống kê thì tính đến tháng 9/2017 thành phố có 112.358 hộ với tổng số 673.540 nhân khẩu được quản lý thông qua hệ thống phần mềm quản lý nhân khẩu, hộ khẩu của Công an Thành phố. Nếu tính cả những người đang làm việc và sinh sống lâu năm nhưng không có hộ khẩu tại Vũng Tàu thì dân số thực tế lớn hơn rất nhiều. Hiện nay thành phố đang triển khai đầu tư xây dựng khu đô thị Chí Linh nằm trên đường Bình Giã.

Thông tin về Thành phố Vũng Tàu (BRVT)

Thành phố Vũng Tàu

Thành phố Vũng Tàu có 17 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 16 phường: 1, 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam, Nguyễn An Ninh, Rạch Dừa và 1 xã duy nhất ở ngoại ô thành phố là xã đảo Long Sơn.

Điều kiện tự nhiên

Vũng Tàu thuộc đới khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của đại dương. Lượng mưa trung bình hàng năm thấp (khoảng 1.271mm) và phân bố không đều theo thời gian, tạo thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 90% lượng mưa cả năm và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

Thông tin về Thành phố Vũng Tàu (BRVT)

Cảnh quan biển tại thành phố Vũng Tàu. Ảnh internet

Nhiệt độ trung bình trong năm: 26-28oC

Nước biển: Nhiệt độ trung bình từ 25 – 29oC; thường xuyên có độ mặn 32-35%.

Thành phố Vũng Tàu được nhiều người biết đến vì nơi đây là trung tâm du lịch lớn của tỉnh.
Thành phố Vũng Tàu có 2 ngọn núi chính: núi Tương Kỳ (còn gọi là núi Lớn) cao 249 thước, núi Tao Phùng (còn gọi là núi Nhỏ) cao 170 thước được cấu tạo bởi 521 mẫu đá, phần đất còn lại của Vũng Tàu là một lớp cát thật sâu, dù đào giếng sâu tới đâu cũng chỉ thấy toàn là cát.
Vũng Tàu là một thành phố ven biển, một địa điểm du lịch của miền Nam Việt Nam, là khu vực hậu cần của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam. Công trình kiến trúc – điểm đến nổi tiếng ở Long Sơn là Nhà Lớn, hay còn gọi là nhà thờ Đạo Ông Trần. Nhà Lớn do Ông Trần (tên thật là Lê Văn Mưu, người Hà Tiên, đến đảo Long Sơn khai hoang lập nghiệp khoảng năm 1900) cho khởi công xây dựng từ năm 1910 đến 1929 thì hoàn thành. Đây là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng đặc sắc, đậm tính nhân văn và bản sắc Việt Nam.

Tổng quan về kinh tế-xã hội-giao thông trên địa bàn thành phố Vũng Tàu

Kinh tế thành phố Vũng Tàu

Là thành phố lớn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam, Vũng Tàu có nền kinh tế năng động với thế mạnh về dịch vụ dầu khí, cảng biển, đánh bắt thủy sản và du lịch.

Nằm trên thềm bờ biển của một khu vực giàu dầu khí và khí đốt, Vũng Tàu là cứ địa của ngành dầu khí Việt Nam. Thành phố là nơi đặt trụ sở Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Việt-Xô (Vietsovpetro), doanh nghiệp chủ lực khai thác, thăm dò và khai thác các sản phẩm dầu khí từ các giàn khoan từ mỏ ngoài khơi vào bờ. Bên cạnh đó là khu cảng dầu khí với nhiều cơ sở hậu cần cho xuất khẩu, vận tải và cung ứng thiết bị liên quan đến ngành này. Trên địa bàn thành phố hiện có 2 khu công nghiệp lớn là Khu công nghiệp Đông Xuyên (160 ha), Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn (1.250 ha) hiện đang triển khai dự án nhà máy lọc dầu Long Sơn và tổ hợp hóa dầu miền Nam. Ngoài ra thành phố còn có hơn 10 cảng biển và cảng sông phục vụ ngành dầu khí, quốc phòng, đóng tàu và xuất nhập khẩu, hiện thành phố cũng đang triển khai dự án cảng trung chuyển Container quốc tế Sao Mai – Bến Đình.

Ngày 24/2/2018, Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam (Long Sơn Petrochemicals – LSP) với tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD đã tổ chức khởi công tại xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu. Đây là tổ hợp hoá dầu đầu tiên tại Việt Nam với công suất lên tới 1,6 triệu tấn/ năm, có khả năng thay thế các sản phẩm polyolefins đang phải nhập khẩu. Dự án cũng bao gồm các cơ sở hạ tầng khác bên cạnh tổ hợp sản xuất hoá dầu, khu cảng nước sâu. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra khoảng 15.000-20.000 việc làm trong quá trình xây dựng, hơn 1.000 lao động có kỹ thuật cao khi đi vào vận hành thương mại.Dự án cũng ước tính sẽ góp 60 triệu USD/năm cho ngân sách quốc gia trong suốt 30 năm kể từ khi đi vào hoạt động.

Với đường bờ biển dài và nhiều làng chài truyền thống nên nghề khai thác, chế biến thủy, hải sản từ lâu đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Vũng Tàu. Trên địa bàn thành phố có 6 cảng cá lớn, chủ yếu tập trung ở bờ vịnh Gành Rái cùng nhiều cơ sở tránh trú bão kiên cố, hiện đại. Khu vực quanh cửa các sông Cỏ May, Chà Và và quanh đảo Long Sơn đã phát triển thêm ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nuôi trên lồng bè, đem lại giá trị lớn về kinh tế và du lịch.

  • Nghề thủ công sản xuất hàng mỹ nghệ của Vũng Tàu cũng phát triển. Những đồ trang sức được làm công phu từ các sản phẩm như vỏ ốc, đồi mồi…
  • Là trung tâm kinh tế – văn hóa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Vũng Tàu được nhiều người biết đến không chỉ với hình ảnh một thành phố biển tươi đẹp, quyến rũ, mà còn là một trong những địa phương làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước. Trong các năm 2005-2010, đã có thêm 51 dự án nước ngoài có vốn đầu tư đăng ký 6,806 tỷ USD và trong 3 năm 2007- 2009, có 11 dự án trong nước đã được cấp phép với vốn đăng ký 12.457 tỷ đồng. Từ nguồn ngân sách tỉnh tăng cường, cùng một phần ngân sách của nguồn vượt thu, thành phố đã từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng cơ sở. Nhiều công trình trọng điểm trong các lĩnh vực giao thông, cấp thoát nước, trường học, trạm y tế, trụ sở văn phòng làm việc và các công trình phúc lợi khác hoàn thành đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy kinh tế – xã hội thành phố phát triển, cải thiện đời sống nhân dân.

Trong nhiều năm qua, dịch vụ du lịch luôn được xác định là ngành kinh tế quan trọng, chiếm vị trí mũi nhọn trong cơ cấu phát triển của TP.Vũng Tàu. Tổng số lượt khách du lịch đến thành phố tăng bình quân 8,7%/năm. Doanh thu du lịch tăng bình quân 9,6%/năm. Thành phố Vũng Tàu hiện có 27 dự án đầu tư du lịch với tổng diện tích 631,46 ha; tổng vốn đăng ký đầu tư của 19 dự án có vốn trong nước là 10.212 tỷ đồng và 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài là 5,86 tỷ USD. Hiện nay, thành phố đang thu hút thêm nhiều dự án bất động sản về du lịch và đang kêu gọi đầu tư các dự án ở các khu “đất vàng” như: Paradise, Sài Gòn Atlantis, Sao Mai – Bến Đình, các dự án dọc Bãi Trước, Bãi Dứa…

Xã hội

Toàn thành phố Vũng Tàu hiện có khoảng 1.540 cơ sở lưu trú, với tổng số 13.668 phòng, trong đó có 135 cơ sở lưu trú đã được xếp hạng với tổng số 6.875 phòng, có 02 khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao. Các cơ sở vật chất phục vụ hoạt động du lịch trên địa bàn đã cơ bản hiện đại. Thành phố hiện có khoảng 721 nhà hàng, quán ăn, chất lượng của các nhà hàng quán ăn về cơ sở vật chất, cung cách phục vụ ngày càng được chú trọng và nâng cao, đặc biệt là không ngừng sáng tạo các món ăn với nguyên vật liệu là thủy, hải sản. Món ăn nổi tiếng của Vũng Tàu là bánh khọt, đã được chứng nhận độc quyền nhãn hiệu và là một trong 12 món ăn Việt Nam được xác lập kỷ lục Châu Á.

Thành phố Vũng Tàu là vùng đất mới được thành lập trong quá trình Nam tiến của người Việt, đời sống văn hoá-xã hội của Vũng Tàu là sự dung hòa từ nhiều yếu tố của các vùng miền hoà quyện cùng bản sắc miền biển rất riêng của địa phương.

Giao thông trên địa bàn

Đường bộ

Đường 3 Tháng 2 là tuyến chính của Quốc lộ 51 nối Vũng Tàu với các địa phương lân cận

Quốc lộ 51 là tuyến quốc lộ chính nối thành phố Vũng Tàu với Bà Rịa, Biên Hòa và các địa phương lân cận. Con đường này bắt đầu từ giao lộ với Quốc lộ 1A tại Ngã tư Vũng Tàu, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, chạy theo hướng Nam, Đông Nam qua các huyện Long Thành, Thị xã Phú Mỹ, thành phố Bà Rịa. Tại Ngã ba Bà Rịa, nó chạy xuống phía Nam, Tây Nam đổ vào thành phố Vũng Tàu qua cầu Cỏ May. Tại địa phận phường 12, nó phân ra làm 3 hướng tuyến: Đường 30 tháng 4 (tuyến Quốc lộ 51A), đường 2 Tháng 9 (Quốc lộ 51B) và Đường 3 Tháng 2 (Quốc lộ 51C).

Bến xe Vũng Tàu, tọa lạc trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Thắng Tam, là đầu mối vận tải hành khách liên tỉnh của thành phố.

Hiện nay, 100% tuyến đường giao thông chính của TP. Vũng Tàu đã bê tông nhựa hóa. Trong đó, tuyến đường Hạ Long-Quang Trung-Trần Phú chạy dọc Bãi Trước được Bộ Giao thông Vận tải công nhận là “con đường đẹp nhất Việt Nam”. Hơn 96% ngõ hẻm được xây sửa, nâng cấp khang trang bằng phương thức “nhà nước, nhân dân cùng làm”. Ngay xã Long Sơn, hiện cũng không còn là xã đảo biệt lập, bởi hệ thống cầu đường khang trang không chỉ nối liền đảo với các khu dân cư, mà đã mở hướng phát triển cho vùng đảo đầy tiềm năng, hòa nhập vào dòng chảy phát triển chung. Các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng với các đô thị khác cũng đang trong quá trình đầu tư và chuẩn bị đầu tư như mở rộng Quốc lộ 51 (Vũng Tàu – Biên Hòa) rộng 8 làn xe dài 90 km, hoàn thành năm 2012, xây mới tuyến đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu kết nối với đường cao tốc Bắc Nam, dự án đường sắt cao tốc Vũng Tàu – Biên Hòa – Thành phố Hồ Chí Minh kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia, xây dựng Sân bay Quốc tế Gò Găng – BRVT trên đảo Gò Găng để di dời sân bay Vũng Tàu… các dự án hạ tầng giao thông này khi hoàn thành sẽ thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển nhanh hơn.

Xe buýt

Vũng Tàu hiện có 6 tuyến xe buýt công cộng, chủ yếu phục vụ khách đi liên huyện và liên tỉnh.

Các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố

  • Hạ Long
  • Quang Trung
  • Thuỳ Vân
  • Trần Phú
  • Lê Lợi
  • 3 Tháng 2
  • 30 Tháng 4
  • Võ Nguyên Giáp
  • Lê Hồng Phong
  • Ba Cu
  • Trương Công Định
  • 2 Tháng 9
  • Nguyễn An Ninh
  • Nguyễn Thái Học
  • Hoàng Hoa Thám

Thông tin quy hoạch thành phố Vũng Tàu

Bộ Xây dựng có Báo cáo thẩm định số 54/BC-BXD về “Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.Vũng Tàu đến năm 2035” trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Theo đó, nhiều nội dung quan trọng cho quy hoạch phát triển đô thị TP.Vũng Tàu đã được đề cập trong đồ án này.

Định hướng thiết kế đô thị tổng thể

Thông tin về Thành phố Vũng Tàu (BRVT)

Bản đồ quy hoạch tổng thể thành phố Vũng Tàu

Xây dựng không gian đô thị trên cơ sở khung tự nhiên là bờ biển, hệ thống sông, rạch, rừng ngập mặn và cảnh quan tự nhiên Núi Lớn, Núi Nhỏ, Núi Nứa. Định hướng tổ chức không gian tại các khu vực như sau:

  • Khu vực đảo Long Sơn: Lấy Núi Nứa là trung tâm, tổ chức khu công nghiệp và trung tâm dịch vụ hóa dầu gắn với không gian biển; tổ chức không gian khu đô thị hài hòa với cảnh quan sinh thái vùng ngập mặn, khai thác hệ sinh thái ngập mặn, mặt nước và triền dốc tự nhiên để tạo cảnh quan đặc trưng; không xây dựng công trình quy mô lớn trên núi làm thay đổi địa hình, địa mạo của khu vực. Bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực.
  • Khu vực Gò Găng: Tạo lập không gian đô thị – sân bay hiện đại, hạ tầng đồng bộ, đảm bảo các yêu cầu về khoảng cách ly và hành lang an toàn bay. Tạo dải cây xanh ven kênh, rạch, bảo vệ các kênh thoát nước tự nhiên trong khu vực và hệ sinh thái ngập mặn.
  • Khu vực Bắc Phước Thắng: Xây dựng khu đô thị sinh thái, mật độ thấp; hình thành các tuyến đường khu vực làm ranh giới kiểm soát hạn chế phát triển đô thị. Ưu tiên dành quỹ đất để bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái ngập mặn kết hợp khai thác du lịch nghiên cứu, khám phá và trải nghiệm.
  • Khu vực Bắc Vũng Tàu, khu vực hành lang phát triển du lịch ven biển Chí Linh – Cửa Lấp: Tạo lập các trục không gian hướng biển và hình thành không gian sinh hoạt cộng đồng tại các quảng trường biển. Bố trí công trình cao tầng đan xen tại trung tâm các khu đô thị; thiết lập không gian đô thị biển hiện đại, năng động, có hình ảnh đặc trưng theo hướng tiếp cận từ phía bãi biển vào đô thị.
  • Khu vực đô thị hiện hữu: Chỉnh trang tạo diện mạo không gian cảnh quan mới dọc bờ biển từ Bãi Dâu, Bãi Trước đến khu vực Hòn Bà. Kiến trúc trung tâm du lịch, dịch vụ thương mại, giải trí, quảng trường công cộng, công viên… gắn với văn hóa bản địa, hài hòa với biển Vũng Tàu. Hình thành và mở rộng không gian dịch vụ du lịch và sinh hoạt cộng đồng. Tổ chức công trình điểm nhấn trên tuyến đường dọc bờ biển và không gian mở; tạo lập các tuyến đi bộ và không gian sinh hoạt cộng đồng hướng ra bờ biển.

Định hướng quy hoạch hệ thống giao thông

Quy hoạch giao thông tại thành phố Vũng Tàu

  • Đường bộ: Xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; nâng cấp quốc lộ 51 theo định hướng giao thông vùng, kết nối thành phố với các đô thị khác trong tỉnh và vùng thành phố Hồ Chí Minh.
  • Đường sắt: Xây dựng tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu phù hợp, thống nhất với quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam. Quy mô và vị trí tuyển, ga cụ thể tuân thủ các quy hoạch chuyên ngành được duyệt.
  • Đường hàng không: Thực hiện theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không Việt Nam và các quy hoạch vùng có liên quan.
  • Đường thủy nội địa: Xây dựng hệ thống cảng thủy nội địa theo quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải, khai thác hiệu quả các luồng tuyến chính trên sông Dinh; sông Mũi Giùi; sông Rạng; sông Chà Và; sông Ba Cội; sông Cỏ May – Cửa Lấp; sông Sao; Rạch Tre và Rạch Bến Đình.
  • Đường biển: Xây dựng và phát triển cảng biển theo quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải, kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa. Các khu bến cảng chính gồm: Sao Mai – Bến Đình, Long Sơn, cảng trên sông Dinh và hệ thống các bến tàu khách, bến du thuyền tại bãi Dâu và Bãi Trước.
  • Nâng cấp, chỉnh trang hệ thống đường giao thông đô thị hiện có. Tiếp tục xây dựng, cải tạo, hoàn thiện các tuyến đường trục dọc; phát triển bổ sung mạng lưới trục ngang kết nối khu vực trung tâm với khu vực ven biển. Tỷ lệ đất giao thông, giao thông tĩnh và mạng lưới đường đô thị tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành và các tiêu chí đô thị loại I.
  • Giao thông công cộng: Phát triển hệ thống giao thông xe buýt đảm bảo phục vụ nhu cầu đô thị và liên kết với khu vực lân cận. Chú trọng phát triển hệ thống mạng lưới xe buýt kết nối các khu vực trong đô thị, tiếp cận thuận tiện với các trung tâm đô thị phát triển mới.

 

TỐTĐã lưu TỐTKhông TỐT 0
0

Tin tức Onlinebank
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh
0