Covid-19 là “đòn bẩy” cho thị trường bất động sản Việt Nam phát triển minh bạch hơn
Trải qua hai năm đối mặt với dịch bệnh Covid-19, trong lĩnh vực bất động sản, chuyển đổi số giúp thị trường bất động sản phát triển minh bạch hơn.
Phát biểu tại hội thảo “Phát triển các mô hình kinh doanh mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Ngô Mạnh Hà, Phó Tổng Giám Đốc phụ trách Khối Công nghệ, Công ty Cổ Phần Tập đoàn Meey Land chia sẻ, hai năm vừa qua, Covid-19 đã tác động đến mọi mặt trong cuộc sống, chúng ta buộc phải thay đổi từ cách thức về học tập, làm việc, sinh hoạt… để thích ứng với bối cảnh chung.
Không một quốc gia nào có thể thoát khỏi sự ảnh hưởng này, ngay cả Việt Nam. Covid-19 gây ra sự quá tải từ hệ thống y tế, đến đình trệ sản xuất, thất nghiệp gia tăng, thậm chí còn gây khủng hoảng về mặt tâm lý cho nhiều người…
Bức tranh kinh tế toàn cầu có thể đang được bao phủ hầu hết bởi gam màu xám. Nhưng vẫn có những doanh nghiệp tìm được cách phát triển, thậm chí bứt phá trong khủng hoảng, đó là những doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, cung cấp mô hình kinh doanh mới, tạo ra giá trị cạnh tranh, điều đó đã giúp họ vượt qua điều kiện khắc nghiệt này.
Chuyển đổi số là thực tế tất yếu phải xảy ra, khi thế giới đối mặt với sự bất định về điều kiện khách quan. Chuyển đổi số không phải chỉ là áp dụng công nghệ, mà phải xuất phát từ tư duy thay đổi của tất cả lãnh đạo, nhân viên trong tổ chức,…
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, Covid-19 vẫn có tác động tích cực đến quá trình chuyển đổi của thế giới, chính nhờ Covid-19 mà chúng ta nhận ra việc bắt buộc phải thay đổi, và tư duy chấp nhận sự thay đổi đã diễn ra rộng rãi hơn, mạnh mẽ hơn trên phạm vi toàn cầu.
Trải qua 2 năm đối mặt với đại dịch, trong lĩnh vực bất động sản, chuyển đổi số giúp thị trường bất động sản phát triển minh bạch hơn, tất cả các đối tượng tham gia vào thị trường bất động sản đều cần sự rõ ràng, minh bạch, đó là nhu cầu tất yếu.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp tham gia vào thị trường bất động sản, hay các doanh nghiệp công nghệ đều đang đẩy mạnh xu hướng chuyển đổi số.
Ông Ngô Mạnh Hà đã đưa ra 5 xu hướng chính về việc thực hiện chuyển đổi số trong ngành bất động sản như sau:
Thứ nhất, sự nở rộ của các sàn giao dịch online, giống như đang thương mại điện tử hóa cho ngành bất động sản.
Thứ hai, đẩy mạnh về tự động hóa, số hóa trong cách thức quản lý dự án bất động sản.
Thứ ba, các công nghệ như AR, 3D, thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường,… đều được áp dụng một cách triệt để vào các dự án, sản phẩm liên quan đến thị trường bất động sản.
Ngoài ra, bản thân các công ty bất động sản đã và đang tự chuyển đổi chính mình, thông qua việc tiến hành triệt để số hóa tài liệu, tối ưu hóa quy trình, áp dụng triệt để tự động hóa trong các quy trình nội bộ.
Nhắc đến chuyển đổi số, không thể không nhắc đến dữ liệu, ngành bất động sản cũng không ngoại lệ, khoa học dữ liệu trí tuệ nhân tạo như AI,… đều là xu hướng được áp dụng mạnh mẽ ở ngành này.
Có thể nói, tất cả các doanh nghiệp BĐS, các đơn vị tham gia vào quá trình tạo ra chuỗi giá trị trong ngành, đều hiểu và đều biết cần chuyển đổi, và họ rất mong muốn, sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi đó.
Tuy nhiên, bắt đầu từ đâu và làm thế nào để thành công lại là câu hỏi rất khó trả lời, đặc biệt là với ngành bất động sản.
Theo khảo sát với hơn 3000 doanh nghiệp tại Mỹ vào năm 2021, về việc quá trình chuyển đổi số, chỉ có 18% nghĩ rằng quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp của mình sẽ thành công, còn hơn 80% doanh nghiệp không tự tin về việc này.
Tỷ lệ thực hiện thành công chuyển đổi số ngay cả ở thị trường Mỹ cũng là rất thấp, vậy với thị trường Việt Nam, thậm chí còn có thể thấp hơn rất nhiều.
Riêng trong ngành bất động sản Việt Nam cũng tồn tại những thách thức lớn, cản trở quá trình chuyển đổi số thành công như:
Thứ nhất, giới hạn về trụ cột về dữ liệu, tất cả các doanh nghiệp tham gia vào chiến lược chuyển đổi số đều hiểu rằng, chiến lược về dữ liệu đóng vai trò cốt lõi.
Thứ hai, lực cản xuất phát từ chính nội tại ngành bất động sản, trong khi nhu cầu của các đối tượng tham gia vào chuỗi giao dịch bất động sản đều mong cải thiện chất lượng dịch vụ, gia tăng tốc độ, đơn giản hóa quá trình thanh toán, minh bạch thông tin. Song thực tế, nhu cầu mong muốn là phải cải thiện nhanh, nhưng thói quen của người sử dụng, và quy trình đặc trưng của ngành bất động sản lại thay đổi rất chậm.
Chính sự mâu thuẫn giữa hai việc này dẫn đến quá trình chuyển đổi số cho ngành bất động sản tồn tại những lực cản nội bộ.
Thứ ba, các doanh nghiệp BĐS luôn đối mặt với vấn đề làm thế nào để đảm bảo kinh doanh liên tục, trong môi trường bất ổn như hiện tại, bất ổn cả về dịch bệnh, khủng hoảng truyền thông, khủng hoảng kinh tế,…
Thứ tư, khi thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp đều hiểu khái niệm “khách hàng là trọng tâm”, tất cả các biện pháp, chiến lược chuyển đổi, đều mong muốn mang lại cho khách hàng một trải nghiệm tốt hơn, cung cấp cho họ sản phẩm phù hợp nhất tại nơi họ mong muốn nhất.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp BĐS phải hiểu khách hàng, đồng thời, đưa ra những dự báo, khuyến nghị phù hợp, ngay cả khi khách hàng chưa thực sự hiểu nhu cầu của mình là gì.
Nhưng thực tế, nhu cầu của khách hàng ở lĩnh vực bất động sản cũng rất khác so với các ngành khác. Ví dụ, nhu cầu về ăn uống, đi lại đều có thể lặp lại hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, nhưng nhu cầu về bất động sản là nhu cầu rất đặc thù, thay đổi và xuất phát ở những thời điểm rất khó dự báo.
Chính vì vậy, làm thế nào để có một hệ thống dữ liệu, từ đó dự báo hành vi khách hàng và giúp khách hàng nâng cao trải nghiệm, là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp đang trong quá trình xây dựng chiến lược chuyển đổi số ở lĩnh vực bất động sản nói riêng.