Khẩn trương chuẩn bị mặt bằng cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu
Gấp rút triển khai dự án, góp phần làm giảm tải cho Quốc lộ 51
Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) có chiều dài hơn 53 km, đi qua địa bàn Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Dự án có điểm đầu kết nối với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP Biên Hòa (Đồng Nai) và điểm cuối tại đường giao với quốc lộ 56 (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị phân chia dự án thành 3 dự án thành phần. Riêng dự án thành phần 3 (Km34+200-Km53+700) với chiều dài khoảng 19,5 km trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.190 tỷ đồng. Trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 1.333 tỷ đồng. Ngân sách tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải bố trí tối thiểu 666,5 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng cho dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đoạn qua địa bàn tỉnh.
Dự kiến, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư trong năm 2022, giải phóng mặt bằng trong năm 2023, khởi công đầu 2023 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án (giai đoạn 1) để tổ chức thẩm định, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Theo đó, Bộ GTVT đề xuất sử dụng gần 18.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để đầu tư thực hiện dự án.
Cụ thể, giai đoạn 1 của dự án được đề xuất đầu tư với quy mô từ 4-6 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/giờ. Trong đó, đoạn từ TP. Biên Hòa – Long Thành (nút giao với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây) và đoạn từ Tân Hiệp (Long Thành) đến quốc lộ 56 sẽ đầu tư với quy mô 4 làn xe (quy hoạch hoàn thiện 6 làn xe); riêng đoạn Long Thành – Tân Hiệp (giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành) sẽ đầu tư xây dựng với quy mô 6 làn xe (quy hoạch hoàn thiện 8 làn xe).
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu kết nối trực tiếp với các cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, sân bay Long Thành và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Cùng với đó, tuyến cao tốc này sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải và giảm tải cho quốc lộ 51. Hiện con đường huyết mạch nối Vũng Tàu, TP HCM và Đồng Nai đã quá tải. Đây cũng là tuyến huyết mạch cho mạng lưới kết nối giao thông giữa vùng tam giác kinh tế phát triển bậc nhất của cả nước là TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, ngày 25/5/2022, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 23, thống nhất bố trí 670 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương chi trả 50% chi phí giải phóng mặt bằng dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Về tiến độ dự án, ngày 7/6, Lãnh đạo Sở GT-VT cho biết, thời gian qua, ngoài bố trí vốn chi trả chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB), tỉnh cũng tiến hành nhiều hoạt động chuẩn bị cho việc triển khai dự án như: thành lập Tổ công tác hỗ trợ bồi thường, GPMB; thực hiện công tác chuẩn bị mặt bằng xây dựng dự án; đề nghị Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GT-VT) và đơn vị tư vấn TEDI bàn giao trước tim mốc tuyến đường cao tốc để địa phương chủ động hơn trong việc quản lý tài nguyên đất và triển khai xây dựng.
Ngoài ra, để thực hiện tốt công tác GPMB, UBND tỉnh cũng có văn bản yêu cầu người dân các địa phương nằm trong diện di dời giải tỏa để thi công dự án cao tốc không được tự ý xây dựng, cơi nới nhà cửa và các công trình khác.
Sở GT-VT đã họp với 2 địa phương là TP. Bà Rịa và TX. Phú Mỹ bàn giao tim mốc tuyến đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và cắm cọc GPMB. Cụ thể đã được thực hiện tại các địa bàn: Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Tóc Tiên, Châu Pha của TX.Phú Mỹ; xã Tân Hưng và xã Hòa Long của TP. Bà Rịa.
Theo UBND TP. Bà Rịa, để chuẩn bị cho việc triển khai dự án cao tốc và thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, TP. Bà Rịa đã tiến hành khảo sát, thống kê sơ bộ các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức có sử dụng đất, tài sản gắn liền với các thửa đất bị thu hồi nằm trong tuyến thu hồi dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Theo đó, tổng số hộ bị thu hồi đất để thực hiện dự án trên địa bàn thành phố dự kiến khoảng 600 hộ. Diện tích đất bị thu hồi dự kiến hơn 300.000m2. Trong đó, bồi thường đất ở dự kiến hơn 260 lô; giao đất ở dự kiến hơn 140 lô. Hiện công tác kiểm đếm, thống kê đang được hoàn thiện để báo cáo UBND tỉnh.
Nguồn: 24H
Có thể bạn quan tâm:
- Bà Rịa – Vũng Tàu: Đầu tư FDI tăng cao, cú hích cho thị trường BĐS
- Cảng Cái Mép xếp hạng thứ 11 hoạt động tốt nhất toàn cầu
- Vũng Tàu lập quy hoạch 1/500 các khu đất công để đấu giá
- Lạm phát tăng nóng trong năm 2022, kênh đầu tư nào sẽ “giữ tiền” tốt nhất?