Bà Rịa – Vũng Tàu: Đầu tư FDI tăng cao, cú hích cho thị trường BĐS
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu xác định thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp là giải pháp mũi nhọn để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Với những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, Bà Rịa – Vũng Tàu đã trở thành điểm đến và dừng chân của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Đầu tháng 5/2022, các nhà đầu tư gồm Tập đoàn khí Quốc gia Hàn Quốc Kogas, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia PTT Thái Lan và Công ty CUIYC Singapore đã khảo sát thực hiện dự án tại các KCN trên địa bàn tỉnh trong các lĩnh vực như năng lượng, thực phẩm, nông sản, kho lạnh và quản lý số liệu. Trước đó, ngày 4/4, Tập đoàn Adani (Ấn Độ) cũng đến thăm và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và cảng biển tại BRVT.
Ngoài 2 tập đoàn trên, từ đầu năm đến nay đã có hơn 10 nhà đầu tư FDI đến khảo sát, làm việc và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh. Hầu hết các dự án đều có mức đầu tư lớn từ 1-2 tỷ USD.
Đặc biệt, tháng vào tháng 9/2021, trong chuyến công du Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tập đoàn Quantum (Mỹ) mong muốn được đầu tư 20-30 tỷ USD vào Việt Nam. Trong đó, BR-VT là địa bàn trọng điểm mà tập đoàn mong muốn đầu tư nhiều dự án như: Nhà máy điện Long Sơn (trị giá khoảng 5 tỷ USD); các dự án đầu tư hạ tầng với tầm nhìn dài hạn tại cảng Long Sơn… Theo các chuyên gia, dự báo dòng vốn FDI vào BR-VT sẽ khởi sắc. Những dự án lớn này có thể đưa tổng vốn đầu tư FDI của tỉnh vươn lên thứ 2 cả nước.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 9 dự án đầu tư được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 155 triệu USD, cao gấp 2,83 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, 4 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 98 triệu USD, chiếm tỷ lệ 63% tổng số vốn đầu tư. Lũy kế đến tháng 5/2022, toàn tỉnh có 425 dự án FDI.
Ngoài ra, tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều dự án tăng vốn đầu tư, hoặc đầu tư mở rộng với hơn 1.570 tỉ đồng và 54,59 triệu USD. Hiện nay, các khu công nghiệp của tỉnh có 515 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó 252 dự án trong nước và 263 dự án đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, hiện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 124 dự án FDI có vốn đầu tư Hàn Quốc, với tổng số vốn đăng ký là 5,026 tỷ USD, trong đó 70% vốn đăng ký vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, những điểm sáng trong thu hút vốn FDI thời gian qua cho thấy những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng tạo ra nhiều giá trị hơn nữa, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới. Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, đất đai và giao thông thuận tiện. Đây thật sự là điều kiện tốt để có thể tăng cường hơn nữa thu hút đầu tư nước ngoài.
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng để thu hút đầu tư, BĐS hưởng lợi
Bà Rịa – Vũng Tàu là khu vực đầu tàu kinh tế của Việt Nam, đóng góp đến 33% GDP của cả nước. Hiện tỉnh đã quy hoạch và đầu tư 15 khu công nghiệp với diện tích 8.510ha và 53 bến cảng tổng hợp, cảng container. Để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vào lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, trong thời gian tới, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiếp tục thu hút đầu tư vào công nghiệp, phát triển các loại hình kinh tế dịch vụ và ưu tiên đẩy mạnh phát triển các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.
Trong đó, điển hình như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư khoảng 17.837 tỷ đồng, đường vành đai 4, dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, cầu Phước An, dự án Trung tâm Logistic Cái Mép Hạ với tổng mức đầu tư khoảng 19.200 tỷ đồng,… Ðây là các dự án sẽ giảm tải cho Quốc lộ 51, kết nối với cao tốc Bến Lức – Long Thành, Dầu Giây – Long Thành về TP HCM và các địa phương khác.
Ngoài các dự án lớn được Chính phủ đầu tư, trong giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh BR-VT dự kiến sẽ triển khai tới 42 công trình và dự án trọng điểm với nguồn vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD để phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, theo quy hoạch đã được phê duyệt, trong tương lai gần Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có 3 sân bay bao gồm sân bay Côn Ðảo, sân bay chuyên dùng Ðất Đỏ, sân bay Gò Găng.
Khi các tuyến đường cao tốc, đường vành đai được hoàn thành sẽ không chỉ giúp công nghiệp, logistics, cảng biển phát triển mà hạ tầng giao thông sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các dự án bất động sản. Trong đó, bất động sản các khu vực như Phú Mỹ, TP. Bà Rịa, huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc sẽ sôi động nhất vì tại các địa phương này có sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp dẫn tới nhu cầu nhà ở lớn.
Đặc biệt, tiềm năng tăng giá của BĐS tỉnh BRVT còn lớn vì so với mặt bằng chung trong khu vực, giá BĐS tại địa phương này vẫn còn khá thấp. Đây là những yếu tố sẽ tạo đà cho bất động sản các khu vực này “cất cánh”.
Nguồn: CafeF
Có thể bạn quan tâm:
- Quốc Hội vừa bấm nút, Bà Rịa Vũng Tàu họp ngay bàn làm Cao Tốc
- Cảng Cái Mép xếp hạng thứ 11 hoạt động tốt nhất toàn cầu
- Vũng Tàu lập quy hoạch 1/500 các khu đất công để đấu giá
- Đồ án quy hoạch Đảo Gò Găng – gắn liền sân bay Gò Găng