Cận cảnh các khu đất vàng trong vụ bán đấu giá gay cấn tại Bình Dương
Sau gần 10 năm Bình Dương dời trung tâm hành chính vào thành phố mới (từ năm 2014), các khu đất vàng được bán đấu giá vẫn là câu chuyện nóng nhận được sự quan tâm của dư luận.
Có một số khu đất vàng được tỉnh Bình Dương tạo quỹ đất để phát triển đô thị, một số giao cho đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, có một số trụ sở được bán đấu giá…
Trong đó có câu chuyện sau hơn 6 năm kể từ khi một người phụ nữ trúng đấu giá 4 khu đất vàng tại Bình Dương, Thanh tra Chính phủ bất ngờ đề nghị xem xét hủy kết quả đấu giá “nếu đủ điều kiện”.
Tuy nhiên, đây là một “bài toán khó” đặt ra cho Bình Dương vì sau nhiều năm, giá đất đã biến động tăng, người trúng đấu giá có thể khởi kiện, khiếu nại nếu bị hủy kết quả đấu giá.
Cụ thể, 4 khu đất vàng được đấu giá vốn là các trụ sở làm việc cũ của các cơ quan nhà nước tỉnh Bình Dương. Trong đó, bao gồm: trụ sở Sở Giao thông vận tải, trụ sở Sở Công Thương (hiện đang được một ngân hàng thương mại thuê lại), trụ sở của Hội Chữ thập đỏ và trụ sở Hội Cựu chiến binh…
Sau ba lần bán đấu giá không có ai mua, tới lần thứ tư thì bà V.T.A.T., 48 tuổi, ngụ TP Thuận An, đã trúng đấu giá cả 4 khu đất vàng với tổng số tiền hơn 257 tỉ đồng. Bà T. đã trả toàn bộ số tiền trúng đấu giá và được Nhà nước bàn giao 4 khu đất này để quản lý, sử dụng.
Ngoài 4 khu đất vàng được đấu giá nói trên, Thanh tra Chính phủ còn yêu cầu tỉnh Bình Dương xử lý đối với 4 trụ sở khác được giao cho doanh nghiệp không qua đấu giá gồm: trụ sở Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Nhà khách Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy. Các trụ sở này được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương từ tháng 7-2017.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cho rằng việc giao các khu đất này cho doanh nghiệp (dù đây là doanh nghiệp nhà nước 100% vốn thuộc Tỉnh ủy Bình Dương) mà không thông qua đấu giá là trái với quy định của điều 118 Luật Đất đai và điều 43 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Một số khu đất vàng khác được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, và đã được san phẳng để tạo quỹ đất bán đấu giá như cụm trụ sở cũ của Thành ủy, UBND thành phố Thủ Dầu Một nằm trên mặt tiền quốc lộ 13…
Phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt tại các khu đất vàng trên để ghi nhận tình hình thực tế:
Cần có phương án quản lý các khu đất vàng
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, sau khi Công ty Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương nhận được trụ sở công không qua đấu giá thì không trực tiếp kinh doanh mà giao lại cho doanh nghiệp khác.
Tiêu biểu như Nhà khách Tỉnh ủy Bình Dương nằm tại vị trí đắc địa trên đường Bạch Đằng, mặt tiền sông Sài Gòn nay đã biến thành khách sạn và nhà hàng của một công ty bất động sản tư nhân.
Khi Thanh tra Chính phủ đang tiến hành thanh tra, UBND tỉnh Bình Dương đã có quyết định ký tháng 4-2021 thu hồi 4 trụ sở từng giao cho Công ty Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tới ngày 17-5, Nhà khách Tỉnh ủy Bình Dương vẫn đang được đơn vị tư nhân kinh doanh khách sạn, nhà hàng.
Thanh tra Chính phủ cho rằng việc 4 trụ sở công nói trên đã có quyết định thu hồi, không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng tỉnh Bình Dương cần có phương án quản lý, sử dụng hiệu quả các tài sản này.