Đánh thuế bất động sản thứ hai là bất hợp lý
Nhiều ý kiến đánh giá, đề xuất đánh thuế bất động sản thứ hai của TPHCM sẽ gây nhiều tác động tiêu cực tới thị trường; làm giảm tính thanh khoản và khiến nhà đầu tư nản lòng.
Càng khiến thị trường khó khăn
Trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố vừa gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TPHCM nêu ra một số đề xuất về thu thuế nhà đất. Đáng chú ý, TPHCM đề xuất thu thuế nhà đất thứ hai trở lên với hai phương án.
Phương án thứ nhất, thành phố kiến nghị thí điểm thu thuế nhà và đất ở mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định mức thuế, phương pháp tính và thời gian áp dụng.
Phương án hai, thành phố đề xuất tăng mức thu liên quan nhà đất thứ hai trở lên, cụ thể là lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên.
Mức tăng do HĐND thành phố quyết định bao gồm: Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở (không quá 5 lần mức hiện hành) và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên (không quá 2 lần mức hiện hành); tăng tỉ lệ thu lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên từ mức 0,5% giá trị chuyển nhượng lên mức 2%, và mức tối đa chuyển nhượng một hồ sơ từ mức 500 triệu đồng lên 1 tỉ đồng.
TPHCM sẽ hưởng 100% số thu tăng thêm từ khoản này và không dùng để xác định tỉ lệ phần trăm với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và địa phương.
Đề xuất trên được địa phương kỳ vọng sẽ giảm được tình trạng đầu cơ, giảm giá nhà đất. Tuy nhiên, đề xuất thí điểm này cũng làm dấy lên lo ngại rằng, thị trường sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khiến tính thanh khoản thấp đi, người mua nản lòng. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang hết sức khó khăn và cần nhiều trợ lực để tháo gỡ trong thời gian qua.
Bà Dương Thuỳ Dung – Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam – cho rằng, đánh thuế sở hữu bất động sản thứ hai có thể gây ra sự suy giảm thanh khoản của thị trường trong ngắn hạn do tình trạng mất cân đối giữa giá mua và giá bán. Khi đó, người mua phải cân nhắc phần thuế mới và người bán để đảm bảo lợi nhuận sẽ cộng thêm giá trị của phần thuế này.
Đồng quan điểm, ông Võ Hồng Thắng – Phó Giám đốc R&D DKRA Group – cũng cho rằng, nếu đề xuất trên được thông qua có thể làm thị trường bất động sản TPHCM có thể rơi vào trạng thái tê liệt kéo dài do nhà đầu tư cân nhắc lựa chọn đầu tư vào thị trường khác thay vì chọn TPHCM để phải chịu thêm một khoản thuế.
Chưa phù hợp với thực tế
Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS. Trần Xuân Lượng – chuyên ngành bất động sản, Trường Đại học Kinh tế quốc dân – phân tích, muốn thu đúng và trúng phải có dữ liệu từ quá khứ.
“Nếu bây giờ cứ đè ra đánh thuế ngôi nhà thứ hai, hay nhà trên 50 triệu hay nhà bỏ hoang thì phải tìm hiểu sâu xa nguồn gốc của nó. Kể cả nhà bỏ hoang cũng cần phải tìm hiểu là lỗi của người mua hay lỗi chủ đầu tư. Bởi có trường hợp người mua chịu rủi ro của chủ đầu tư rồi lại phải chịu thêm rủi ro về thuế nữa thì thành ra thuế chồng thuế, phí chồng phí”.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Ngọc Tú – Giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội – cho rằng, đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên là bài toán cần phải xem xét và tính toán. Nên đánh thuế vào tài sản có giá trị lớn thay vì đánh vào bất động sản thứ hai.
“Có những người mua rất nhiều bất động sản nhưng không bao giờ đứng tên sử dụng, họ để cho người thân trong gia đình đứng tên. Vậy, việc đánh thuế bất động sản thứ hai có thu được thuế của những người này không? Trong khi có những người lao đầu vào làm lụng vất vả cả đời mới có tiền mua được 1 – 2 miếng đất, nếu đề xuất này được thực hiện thì họ là người thiệt thòi, bất hợp lý” – ông Tú nói.
Cũng theo vị này, hiện nay, nhiều chiêu trò trong việc trốn thuế liên quan đến bất động sản, nếu đề xuất này được thực hiện chắc chắn sẽ có những khe hở và chiêu lách luật khác của người dân.
Nguồn : laodong.vn