Đề xuất biện pháp ứng phó việc rút tiền hàng loạt tại ngân hàng
Nhà băng xảy ra sự cố bị rút tiền hàng loạt có thể được vay lãi suất 0% từ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, các ngân hàng khác…
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã ký tờ trình gửi Quốc hội dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.
Theo Thống đốc, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi góp phần hạn chế và khắc phục xử lý sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt tại các tổ chức tín dụng phát sinh trong thời gian gần đây.
Hồi tháng 10/2022, hàng loạt khách hàng rút tiền ở Ngân hàng Sài Gòn (SCB) sau khi trên mạng xã hội xuất hiện một số thông tin thất thiệt, kích động người dân… Trong quá khứ, ACB, DongABank… cũng xảy ra tình trạng như trên khi xuất hiện thông tin tiêu cực về lãnh đạo ngân hàng.
Theo dự thảo, tổ chức tín dụng sẽ không bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm thiếu dự trữ bắt buộc và không tuân thủ tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định trong giai đoạn bị rút tiền hàng loạt.
Các tổ chức tín dụng cũng được vay đặc biệt Ngân hàng Nhà nước theo quy định luật này với lãi suất 0%/năm. Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, quyết định thực hiện các biện pháp hỗ trợ thanh khoản riêng với nhóm này. Trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn hệ thống và trật tự an toàn xã hội, nhà điều hành sẽ chỉ định Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hoặc một số tổ chức tín dụng khác cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm.
Nhà băng tham gia việc cho vay đặc biệt này cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước như được vay tái cấp vốn lãi suất 0%, giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc, được nhận tiền gửi dài hạn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam với lãi suất ưu đãi… Các khoản cho vay này cũng được áp dụng hệ số rủi ro khi tính tỷ lệ an toàn vốn và phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn.
Với các ngân hàng yếu kém, dự thảo luật đưa ra biện pháp can thiệp sớm, tăng thẩm quyền Ngân hàng Nhà nước, gồm các quyền: hạn chế hoặc đình chỉ quyền quyết định kinh doanh của người quản lý ngân hàng nếu có hành vi vi phạm pháp luật tùy mức độ.
Khi thực hiện can thiệp sớm, cho phép xử lý “từ sớm, từ xa” nếu tình trạng yếu kém của tổ chức tín dụng chưa đến mức nghiêm trọng.
Về việc đánh giá tổng thể thực trạng tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, dự thảo Luật có sửa đổi quy định trường hợp không thuê được tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện, Kiểm toán Nhà nước thực hiện theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.