Doanh nghiệp khổ vì chờ bộ ngành xin ý kiến, trao đổi
Đại biểu Quốc hội cho rằng, bộ, ngành cứ trao đổi lòng vòng, đến khi giải quyết được, doanh nghiệp đã “gần đất xa trời”.
Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội hôm nay, thực trạng sức khỏe doanh nghiệp khó khăn nhận được nhiều quan tâm từ các đại biểu Quốc hội.
Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh đề nghị nhà chức trách rà soát thể chế, đơn giản thủ tục hành chính, nhất là thay đổi văn hóa “doanh nghiệp phải đi xin, chạy”. Theo ông, chính quyền, nhà quản lý cần thể hiện thái độ phụng sự doanh nghiệp, chủ động, thực tâm, thực lòng để gỡ khó.
“Những việc gì cần làm để doanh nghiệp phát triển, nên làm và quyết định ngay. Cần bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành, bởi đến khi giải quyết được, doanh nghiệp đã ‘gần đất xa trời'”, ông An nói
Liên quan vấn đề giảm lãi suất, ông An cho rằng Chính phủ đã phải dùng mệnh lệnh hành chính, nhưng tiếp cận và đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh vẫn nghẽn. “Việc giảm lãi suất và đơn giản điều kiện, thủ tục vay cần thực chất để vốn đến đúng, trúng và trực tiếp với doanh nghiệp”, ông nói.
Theo báo cáo của Chính phủ mới đây, bình quân lãi suất cho vay mới là 9,3% nhưng số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, lãi suất cho vay bình quân tại 35 ngân hàng thương mại tới cuối tháng 3 khoảng 10,23%, cao hơn 0,56 điểm % so với cuối 2022.
Ủy ban này cũng đánh giá, những khó khăn trên thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và hầu như không huy động được vốn, dẫn tới bất động sản “đóng băng”. Các động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là sản xuất công nghiệp giảm, trên đà suy yếu.
Bà Phan Thị Mỹ Dung, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An phản ánh tình trạng doanh nghiệp thua lỗ, số phá sản tăng và thu nhập người lao động giảm.
Đây cũng là vấn đề được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu khi giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ ngày 30/5. Trong 5 tháng đầu năm, Bộ trưởng cho biết có hơn 88.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản (tăng hơn 47%), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 42%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng gần 33%).
Trước thực trạng này, bà Dung đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện, phân tích rõ độ vênh trong các báo cáo Chính phủ với số liệu thực tế về tình hình kinh tế, sản xuất công nghiệp và việc làm.
“Doanh nghiệp, người lao động rất mong chờ các quyết sách giải quyết căn cơ, hiệu quả khó khăn của doanh nghiệp, việc làm lao động”, bà nêu.
Trong khi đó, ông Trịnh Xuân An cho rằng với những dự án pháp lý đầy đủ, làm đúng quy trình, các địa phương cần ký đồng ý để triển khai ngay, tránh việc cứ rà soát mãi, cả năm không ra được dự án nào.
Các bộ, ngành cũng cần thể hiện rõ trách nhiệm phối hợp, làm rõ vai trò chủ trì, chủ động xử lý và hạn chế việc đẩy trách nhiệm lên cấp trên, người đứng đầu. “Không phải nội dung gì cũng để Thủ tướng ra công điện đôn đốc hoặc Chính phủ phải ra Nghị quyết gỡ khó”, ông nói.
Cơ quan quản lý cần bớt kiểm tra, thanh tra làm khó doanh nghiệp. “Các biện pháp gỡ khó cho doanh nghiệp cần thúc đẩy thị trường trong và ngoài nước, đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và tài khóa để nghẽn ở đâu thông ở đó, vướng ở đâu gỡ ở đó”, ông nói thêm.
Khảo sát được Ban IV phối hợp cùng VnExpress thực hiện cuối tháng 4 với gần 9.560 doanh nghiệp, cho thấy hiện có bốn nút thắt doanh nghiệp gặp phải, gồm thiếu hụt đơn hàng; tắc nghẽn dòng vốn; thể chế không đầy đủ, thủ tục hành chính bủa vây và những rủi ro pháp lý trong sản xuất, kinh doanh.
Tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng, lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp diễn ra phổ biến. Một số đơn vị đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng, bán cổ phần với mức giá rất thấp, thậm chí có trường hợp “bán mình” cho nước ngoài để tránh vỡ nợ.
NGuồn: vnexpress.net