Đồng Nai kiến nghị đầu tư hai tuyến đường sắt hơn 90.000 tỉ đồng
Đồng Nai muốn sớm đầu tư tuyến đường sắt kết nối sân bay Long Thành
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương giao tỉnh này là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành và đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu.
Đây cũng là hai dự án nằm trong danh mục quốc gia kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021 – 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành dài hơn 37km, có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (Tp. Thủ Đức) và điểm cuối tại sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Tổng mức đầu tư khoảng 40.500 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Trong khi đó, dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu dài 65km, điểm đầu tại ga Trảng Bom (huyện Trảng Bom), điểm cuối tại cảng biển quốc tế Cái Mép-Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) với tổng mức đầu tư hơn 50.800 tỉ đồng và cũng theo hình thức PPP.
Theo tỉnh Đồng Nai, nếu tỉnh được giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai sẽ chủ động trong quá trình kêu gọi đầu tư.
Nếu được Chính phủ chấp thuận, Đồng Nai sẽ khẩn trương lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phối hợp với các cơ quan Trung ương, địa phương liên quan sớm triển khai, đưa dự án vào khai thác kịp thời với thời gian vận hành của sân bay Long Thành.
Việc sớm được đầu tư hai dự án đường sắt Thủ Thiêm – sân bay Long Thành và Biên Hoà – Vũng Tàu sẽ giúp đồng bộ mạng lưới giao thông kết nối của Đồng Nai với trung tâm kinh tế lân cận. Đặc biệt, những dự án này cùng với các tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Phan Thiết – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành, Biên Hoà – Vũng Tàu…càng thúc đẩy khai thác hiệu quả của sân bay quốc tế Long Thành khi dự án này đi vào hoạt động, giảm áp lực cho các tuyến giao thông hiện hữu.
Bên cạnh tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành thì hiện nay hai hai tuyến đường kết nối với sân bay Long Thành khác cũng đang được Đồng Nai tích cực triển khai.
Cụ thể, theo quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo kết nối giao thông, 2 tuyến đường kết nối sân bay cũng đã được chấp thuận đầu tư bao gồm tuyến số 1 và số 2.
Theo đơn vị tư vấn, tuyến số 1 có chiều dài 3,8km kết sân bay Long Thành với đường cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu, quốc lộ 51 và khớp nối với đường tỉnh 25C.
Tuyến số 2 có chiều dài 3,5km có điểm đầu giao với tuyến số 1, chạy song song với đường cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu và điểm cuối giao với đường cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây.
UBND tỉnh Đồng Nai hiện đang đẩy nhanh tiến độ xác định lại mốc ranh giới thu hồi đất của dự án. Theo kế hoạch ban đầu tuyến số 1 sẽ thu hồi hơn 71ha, tuyến số 2 thu hồi hơn 73ha. Tuy nhiên, hiện nay tuyến số 1 sẽ tăng thêm 23ha đất thu hồi.
Trước đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, việc xây dựng 2 tuyến kết nối giao thông, đặc biệt là tuyến số 1 phục vụ xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 là rất cấp bách. Do đó, phải nhanh chóng hoàn thiện xây dựng khung chính sách đền bù, hỗ trợ và tái định cư khi thực hiện thu hồi đất của người dân.
Đối với khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng việc thống nhất sử dụng chung khung chính sách của dự án sân bay Long Thành để thực hiện đối với cả 2 tuyến đường là hợp lý nhất.
Dự án sân bay quốc tế Long Thành được khởi công xây dựng từ đầu năm 2021. Dự án có diện tích 5.000ha, là cảng hàng không đạt cấp 4F, có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất ba giai đoạn vào năm 2050. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 16 tỉ USD. Để xây dựng sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai phải thu hồi đất của 5.283 hộ dân và 26 cơ quan tổ chức thuộc 6 xã của huyện Long Thành gồm Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Bàu Cạn, Long An và Long Phước.
Giai đoạn 1 của dự án có diện tích 1.800ha sẽ hoàn thành xây dựng và đi vào khai thác từ năm 2025.