EVN muốn dừng 2 nhà máy đạm để nhường khí cho điện, PVN nói gì?
Trước đề nghị dừng 2 nhà máy đạm để lấy khí cho sản xuất điện của EVN, PVN khẳng định việc này không giúp nhiều cho việc đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa phát đi thông báo liên quan đến đề xuất dừng hoạt động 2 nhà máy đạm Phú Mỹ, Cà Mau để nhường khí cho phát điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Cụ thể, PVN cho biết chủ sở hữu của các nhà máy đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau là các công ty cổ phần nên những hoạt động ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, các trường hợp dừng hoặc giảm cấp khí dài hạn theo kế hoạch, đều phải được đại hội đồng cổ đông của các công ty này thông qua trước khi thực hiện.
Việc dừng hoặc giảm cấp khí ngoài kế hoạch cho các nhà máy đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm phát sinh nhiều hệ lụy đến các bên liên quan và sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận, thiện chí, sự hợp tác chia sẻ của cổ đông các nhà máy đạm.
“Thêm nữa, việc dừng hay giảm khí thiên nhiên của các nhà máy đạm cũng không giúp nhiều (gần 1%) cho việc đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia”, PVN nhìn nhận.
EVN cho biết công tác cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu vận hành, kết hợp sự cố kéo dài của một số tổ máy nhiệt điện gây thiếu hụt lượng lớn công suất nguồn điện (Ảnh: EVN).
Hoạt động khai thác các mỏ khí đều được các chủ mỏ lên kế hoạch hàng năm và có các cam kết mua hoặc nhu cầu khí từ các khách hàng theo hợp đồng dài hạn. Chính vì thế, việc các nhà máy điện, nhà máy đạm tăng nhu cầu về khí thiên nhiên đột biến không theo kế hoạch hàng năm sẽ được các chủ mỏ xem xét rất kỹ, do có những giới hạn kỹ thuật trong hoạt động khai thác các mỏ khí thiên nhiên ngoài khơi. Hơn nữa, các mỏ khí thiên nhiên hiện trong giai đoạn suy giảm, cần sự ổn định trong khai thác nhằm đảm bảo vận hành an toàn và tận thu tối đa các nguồn tài nguyên trong lòng đất.
Theo kế hoạch của Bộ Công Thương, trong năm nay, dự kiến PVN và các bên trong hệ thống khí tại các khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ sẽ cung cấp khoảng 5,6 tỷ m3 khí (khu vực Đông Nam Bộ khoảng 4,3 tỷ m3 và Tây Nam Bộ khoảng 1,3 tỷ m3) cho sản xuất điện.
Thực tế, nhu cầu huy động khí thiên nhiên cho sản xuất điện trong quý I rất thấp, nên đến hết tháng 4, lượng khí huy động cho các nhà máy điện chỉ đạt 96% so với kế hoạch của Bộ Công Thương đã giao.
Ngoài tăng cường tối đa lượng khí thiên nhiên khai thác trong nước, PVN đã thống nhất với Petronas để mua toàn bộ lượng khí khai thác từ cụm mỏ PM3-CAA với Malaysia nhằm gia tăng lượng khí cung cấp cho sản xuất điện trong nước.
Dự kiến trong năm nay, tập đoàn sẽ cung cấp khoảng 5,87 tỷ m3 khí thiên nhiên cho sản xuất điện (gồm 4,55 tỷ m3 khu vực Đông Nam Bộ và 1,32 tỷ m3 ở khu vực Tây Nam Bộ), vượt 104,8% so với kế hoạch của Bộ Công Thương.
Đáng nói, tính đến nay, công suất huy động các nhà máy điện khí cao nhất chỉ chiếm khoảng 12% trong tổng công suất các nguồn điện được huy động.
“Do vậy, để đảm bảo hoàn thành kế hoạch cung cấp điện của Bộ Công Thương đã phê duyệt, cần phải huy động sự tham gia phát điện của nhiều nguồn phát điện khác ngoài điện khí (điện than, thủy điện, năng lượng tái tạo… )”, PVN cho hay.
Nguồn: dantri.vn