Một nửa doanh nghiệp bluechip giảm lợi nhuận quý I

Like0

Một nửa trong số 30 doanh nghiệp bluechip ghi nhận lợi nhuận ba tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ 2022, tỷ lệ giảm cao hơn giai đoạn Covid-19.

Báo cáo tài chính quý I của những doanh nghiệp trong nhóm bluechip (nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư) trên thị trường chứng khoán cho thấy mức độ sụt giảm lợi nhuận mạnh nhất ba năm gần đây.

Kết thúc quý I, có 15 trong tổng số 30 doanh nghiệp trong nhóm VN30 ghi nhận lãi ròng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ này cao hơn gấp đôi so với năm 2022 và 2021, thời điểm nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Sức ép với các doanh nghiệp trong quý đầu năm nay tiếp tục là ảnh hưởng nối dài từ nửa cuối năm ngoái với sự suy giảm về nhu cầu trong nước và xuất khẩu, khó khăn từ thị trường bất động sản và việc tiếp cận vốn. Mức độ ảnh hưởng lan rộng từ nhóm doanh nghiệp bất động sản (NVL, PDR), cho tới bán lẻ (MWG, MSN), hàng tiêu dùng (SAB, VNM), tài chính – ngân hàng (SSI, VPB) hay sản xuất (HPG, GVR).

Tỷ đồngNhững doanh nghiệp trong VN30 có lãi ròng quý I thấp hơn cùng kỳQuý I-2022Quý I-2023BecamexPV GASHòa PhátMasanNovalandPhát ĐạtPOWSabecoSSITập đoàn Cao SuTechcombankThegioididongVietjetVinamilkVPBank-1k01k2k3k4k5k6k7k8k9k10kNguồn: BCTC Quý I /2023

Novaland là doanh nghiệp duy nhất trong nhóm bluechip lỗ trong quý đầu năm nay. Nhà phát triển bất động sản trong top đầu thị trường chỉ đạt doanh thu hơn 600 tỷ đồng ba tháng đầu năm, chưa bằng một phần ba cùng kỳ năm trước. Lỗ ròng ghi nhận hơn 400 tỷ đồng, so với mức lãi nghìn tỷ cùng kỳ 2022.

Tại thời điểm cuối quý I, tổng tài sản của doanh nghiệp này ghi nhận hơn 256.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm trước. Trong đó, cấu trúc nguồn vốn chiếm áp đảo bởi nợ phải trả, đạt hơn 211.000 tỷ đồng tính tới ngày 31/3.

Trong báo cáo kiểm toán năm 2022, PwC Việt Nam – đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính – cho rằng việc giả định phụ thuộc vào khả năng thanh toán, tái cấu trúc nợ và các biện pháp tạo ra đủ dòng tiền tài trợ cho hoạt động kinh doanh đã dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn. Tuy nhiên, Novaland khẳng định đủ nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh và có khả năng đáp ứng các nghĩa vụ đến hạn trong 12 tháng tới (tính từ tháng 4 năm nay).

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland, viết trong báo cáo thường niên rằng “công ty đang nhất thời đối diện với khó khăn tài chính và thanh khoản ngắn hạn” nhưng ông tự tin hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ sớm hồi phục trong quý III năm nay.

Ngoài Novaland, Bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng ghi nhận lợi nhuận thấp hơn cùng kỳ. Quý đầu năm nay, lợi nhuận của doanh nghiệp này giảm hơn 90%, chỉ còn hơn 22 tỷ đồng. Dù vậy, con số này vẫn tích cực hơn so với mức lỗ hơn 200 tỷ đồng trong quý cuối năm 2022.

Cũng như Novaland, Phát Đạt cho biết lợi nhuận giảm sâu do tình hình khó khăn chung của toàn thị trường, đặc biệt là ngành bất động sản. “Việc đầu tư kinh doanh của chúng tôi vào các dự án bất động sản không được thuận lợi”, Phát Đạt cho biết.

Ở nhóm bán lẻ và hàng tiêu dùng, khó khăn đến từ sự sụt giảm của nhu cầu. Thế giới Di Động (MWG) báo lãi ròng giảm 99% so cùng kỳ, còn Masan (MSN) cũng giảm lợi nhuận gần 80%.

“Đại gia” trong phân khúc phân phối điện máy, điện thoại chuỗi bán lẻ này ghi nhận doanh thu giảm 26% so cùng kỳ 2022, lợi nhuận gộp giảm 36% do biên lãi gộp thu hẹp. Sau khi trừ các khoản chi phí vận hành, MWG lãi ròng chỉ hơn 21 tỷ đồng, so với mức lợi nhuận hơn 1.400 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Với lợi thế về độ phủ và chất lượng dịch vụ, Thế giới Di Động thường đặt giá bán cao hơn khoảng 5-10% so với các đối thủ khác trong ngành, theo đánh giá của VCBS. Điều này làm nên sự vượt trội về cả biên lãi gộp và biên lãi ròng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, kể từ tháng 3 năm nay, MWG xác định đi theo chiến lược giảm giá bán để cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Kết quả biên lãi gộp của công ty này thu hẹp về dưới 20% trong quý I năm nay.

Tương tự, lợi nhuận của Masan cũng thu hẹp trong ba tháng đầu năm, với lãi ròng chỉ đạt hơn 430 tỷ, so với mức gần 1.900 tỷ cùng kỳ năm trước.

Với phân khúc tài chính, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank có mức giảm lợi nhuận cao nhất trong nhóm ngân hàng do chịu ảnh hưởng từ hoạt động của FE Credit, công ty hoạt động trong mảng tài chính tiêu dùng. Ngoài VPBank, lợi nhuận của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam – Techcombank cũng thấp hơn cùng kỳ khi thu nhập lãi thuần giảm mạnh. Trong khi đó, SSI – công ty chứng khoán trong top đầu – gặp khó từ diễn biến đi ngang của thị trường chung trong ba tháng đầu năm.

Ở mảng sản xuất, khó khăn của lĩnh vực bất động sản khiến ngành thép bị tác động mạnh, và Hòa Phát cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Doanh nghiệp đứng đầu về thị phần ngành thép ghi nhận lợi nhuận chưa tới 400 tỷ đồng trong quý I, giảm 95% so cùng kỳ. Tuy vậy, con số này vẫn tích cực hơn mức lỗ ròng nghìn tỷ đồng trong hai quý cuối năm trước.

Một số doanh nghiệp khác cũng ghi nhận lợi nhuận giảm nhưng với biên độ thấp, như Vinamilk, PV GAS hay Sabeco.

Nguồn: vnexpress.net

TỐTĐã lưu TỐTKhông TỐT 0
0

Tin tức Onlinebank
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh
0