Nguồn cung căn hộ liên tục sụt giảm mạnh
Công ty Nghiên cứu thị trường bất động sản CBRE cho biết, trong quý 4.2022, TPHCM chỉ có 1.312 căn hộ mới được chào bán tại thị trường TPHCM.
Đây cũng là số lượng căn hộ mới chào bán thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua (trừ 2 năm bị đại dịch COVID-19). Tổng số căn hộ chào bán trong cả năm 2022 là 18.440 căn hộ (tương đương năm 2020 nhưng chỉ bằng 70% của năm 2019), nguồn cung chủ yếu khu vực phía Đông.
Phân khúc cao cấp vẫn là nguồn cung dồi dào nhất với tỷ lệ 90%, giá bán thứ cấp có thể giảm đến 20% vì có yếu tố đầu cơ.
Dự kiến năm 2023, TPHCM chỉ có 9.000 căn hộ được chào bán từ 20 dự án, trong đó phân khúc cao cấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn là 75%, phần lớn các căn hộ được “chuyển tiếp” từ các dự án đã bán ra thị trường, chỉ có 6 dự án là được đưa ra lần đầu.
Các chuyên gia CBRE dự báo năm 2023, thị trường tiếp tục gặp nhiều khó khăn, sự phục hồi phụ thuộc vào việc điều chỉnh chính sách vĩ mô liên quan đến tín dụng, chính sách pháp luật về đất đai, đầu tư.
Theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng TPHCM, trong năm 2022, qua kiểm tra tiến độ thực hiện 354 dự án, có 138 dự án đã hết thời gian thực hiện theo quy định tại quyết định chấp thuận đầu tư; 30 dự án đầu tư phát triển nhà ở thương mại đã được chấp thuận đầu tư đã ngưng thi công.
Nguyên nhân hàng trăm dự án hết thời gian thực hiện do bị tắc ở một khâu nào đó nên không thể đi tiếp, trong khi đó doanh nghiệp đã phải mất không ít công sức, tiền bạc để lo cho dự án. Với các dự án ngưng thi công đã khiến doanh nghiệp rơi vào tình thế “ngồi trên đống nợ”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), nhận định thị trường bất động sản đang rất khó khăn, trong đó 2022 là năm “khó khăn khắc nghiệt nhất”.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp bất động sản giải thể trong năm 2022 gần 1.200, tăng 38,7% so với 2021.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh; dừng hoặc đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO; thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển nhượng bớt dự án, cắt giảm nhân lực, thậm chí có đơn vị giảm đến 50% số lao động, giảm lương 30-50%, không có thưởng Tết Quý Mão.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản có tổng tài sản giá trị lớn đã giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45-50%, nhưng vẫn rất khó bán được hàng.