Những điều kiện, thủ tục và hồ sơ khi chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở?
Nhu cầu chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở (đất thổ cư) là rất lớn bởi đất ở mới có thể xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ cho đời sống. Vậy pháp luật quy định như thế nào về điều kiện, thủ tục và hồ sơ chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở?
Điểm d, e Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 quy định rõ, muốn chuyển đổi đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở thành đất ở thì phải xin phép và nhận được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều kiện chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở
Điều 52 Luật Đất đai 2013 quy định căn cứ để cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất bao gồm:
– Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất.
Như vậy, Luật Đất đai 2013 không quy định cụ thể điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ căn cứ vào thời điểm thực tế và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được phê duyệt để quyết định cho hoặc không cho phép chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất thổ cư.
Thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất
Theo Điều 59 Luật Đất đai 2013 quy định các cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất bao gồm:
– UBND cấp tỉnh quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các tổ chức;
– UBND cấp huyện quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.
Thủ tục chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ
Người sử dụng đất chuẩn bị một bộ hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất gồm các giấy tờ:
– Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BTNMT;
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Bước 2. Nộp hồ sơ
Người sử dụng đất mang hồ sơ đến nộp tại Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có đất để được giải quyết. Cơ quan này có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, đồng thời thông báo và hướng dẫn người sử dụng đất bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo đúng quy định.
Bước 3. Nộp tiền sử dụng đất
Người sử dụng đất phải nộp một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển đổi mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Kể từ ngày ký Thông báo của cơ quan thuế, người sử dụng đất có trách nhiệm nộp 50% số tiền sử dụng đất theo thông báo trong vòng 30 ngày.
Số tiền sử dụng đất còn lại phải được nộp trong vòng 60 ngày kể từ ngày có Thông báo.
Nếu quá thời hạn trên mà người sử dụng đất vẫn chưa nộp đủ số tiền sử dụng đất theo Thông báo thì phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật, trừ những trường hợp được ghi nợ.
Bước 4. Nhận kết quả
Người sử dụng đất nhận quyết định cho phép chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở tại Phòng tài nguyên và Môi trường nơi đã nộp hồ sơ ban đầu.
Thời hạn giải quyết hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất là không quá 15 ngày tính (không kể thời gian người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính) hoặc không quá 25 ngày đối với vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Theo ThanhnienViet