Phập phồng với lịch cắt điện

Like0

Ông Nguyễn Lê Quốc Dũng, phó hiệu trưởng một trường tiểu học, vừa nhận lịch cắt điện hôm 26/5 – ngày diễn ra chương trình tổng kết cuối năm của trường.

“Chúng tôi có gần 1.600 học sinh, khách mời cũng đã gửi thông tin xác nhận tham gia nên không thể hủy buổi lễ. Với thông báo cắt điện như trên, các hoạt động sẽ phải thu hẹp lại”, ông Nguyễn Lê Quốc Dũng – Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Hóa 3, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) – nói.

Với thủ tục buổi lễ, theo ông, nhà trường sẽ phải tốn thêm chi phí thuê máy phát điện để “chạy” chương trình, đọc các thông báo tại buổi lễ tổng kết.

Tương tự, một nhà hàng chuyên hải sản ở thành phố Thủ Dầu Một cũng cho biết, nếu bị cắt điện như lịch thông báo, nhà hàng sẽ phải cho nhân viên nghỉ 2 ca và chỉ mở lại vào buổi tối.

“Thông báo cắt điện từ 6h đến 18h nên chúng tôi không thể mở bán vì trời nóng nếu không có quạt và điều hòa. Với khách đã đặt món trước, chúng tôi cũng phải xin hủy vì có thông báo mất điện”, nhà hàng này cho hay.

Tuần trước, các nhà máy ở cả ba miền của một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (trụ sở tại TP HCM) bị cắt điện, có nơi phải ngưng sản xuất trong 1-5 giờ. Tuần này chưa có lịch mới nhưng CEO công ty trên cho biết, nếu cắt điện kéo dài, ông rất lo lắng các hoạt động sản xuất bị đình trệ.

Công nhân tại công trình xây dựng ở TP HCM ngồi nghỉ ngơi trong thời gian bị mất điện đột ngột. Ảnh: Linh Đan

Công nhân tại công trình xây dựng ở TP HCM ngồi nghỉ ngơi trong thời gian bị mất điện đột ngột hôm 22/5. Ảnh: Linh Đan

Được thông báo tạm hoãn không cắt điện như kế hoạch trước đó, nhưng ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội may thêu đan TP HCM nói doanh nghiệp vẫn phập phồng, hoang mang.

“Điện vô cùng quan trọng trong sản xuất, nếu cúp, công nhân sẽ phải nghỉ làm, nhà máy nào có hệ thống điện dự phòng cũng chỉ đáp ứng một phần sản xuất. Nơi không có, sẽ buộc ngưng hoạt động”, ông Hồng nói.

Khảo sát của VnExpress cho thấy, các tổng công ty điện lực đều đã thông báo lịch cắt điện trong vài ngày tới. Tại Hà Nội, nhiều quận như Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai có lịch cắt điện 4-6 giờ, một vài nơi cắt điện tới 2 ngày. Điển hình, tại quận Hoàng Mai, một phần phường Giáp Bát dự kiến tạm ngưng cấp điện từ 3h30-11h liên tiếp hai ngày 23/5 và 24/5.

Tại miền Nam, từ ngày 22/5 đến 29/5, nhiều địa điểm ở một vài tỉnh như Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Trà Vinh, Hậu Giang… đều có thông báo dự kiến cắt điện. Tại Bình Dương, Đồng Nai có nơi dự kiến cắt điện 6-12 giờ.

Lý do cắt điện là để sửa chữa, thí nghiệm hoặc điều chỉnh theo lịch công tác, theo cơ quan điện lực. Ngoài ra, do lượng điện tiêu thụ liên tục lập kỷ lục nên nhiều đơn vị buộc phải điều chỉnh cung ứng giữa các nơi để đảm bảo lượng điện tiêu thụ trong bối cảnh nguồn cung có nguy cơ thiếu hụt.

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, nắng nóng gây ra hiệu ứng phụ khiến hiệu suất các nhà máy nhiệt điện suy giảm do chênh lệch nhiệt độ. Do đó, tổng công suất khả dụng của các nhà máy nhiệt điện thấp hơn các giai đoạn khác trong năm.

Thống kê của EVN cho thấy, 18 trong 47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết; 20 hồ có dung tích còn lại dưới 20%, tần suất nước về nhiều hồ thấp nhất trong 100 năm qua. Đến 21/5, sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là hơn 2,9 tỷ kWh, thấp hơn gần 1,73 tỷ kWh so với kế hoạch năm.

Ngày 19/5, sản lượng hệ thống điện đạt 912 triệu kWh, công suất cực đại lên tới 44.600 MW – cao nhất trong lịch sử, và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo, sắp tới, khi nắng nóng nhiều, tiêu thụ điện có khả năng vượt kỷ lục này.

Tại miền Nam, đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết đang nỗ lực để không cắt điện như dự kiến. Trước mắt, các tỉnh sẽ chỉ cắt điện theo lịch công tác, sửa chữa, thí nghiệm. Riêng với những nơi cắt điện theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước trước đó có thể tạm hoãn.

Trong khi đó, tại TP HCM, ông Bùi Trung Kiên – Phó tổng giám đốc EVNHCMC, cho hay những ngày qua, ngành điện đã kiểm tra, khắc phục các khiếm khuyết trên lưới điện, đến nay đã ổn. Hết tháng này, TP HCM cam kết đảm bảo cung cấp điện ổn định cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt.

Những khu vực vẫn bị mất điện đột ngột là do các địa điểm này xảy ra sự cố. Ngành điện đã chuẩn bị nhân lực, máy móc sẵn sàng để nỗ lực khắc phục sớm sự cố ngoài mong muốn.

EVN Hà Nội khẳng định không có tình trạng cắt điện luân phiên. Các lịch tạm ngừng cấp điện trên địa bàn TP Hà Nội phục vụ công tác bảo trì, bảo dưỡng, cải tạo hệ thống lưới điện nhằm đảm bảo vận hành cung ứng điện được an toàn, ổn định.

Trong bối cảnh khó khăn nguồn cung điện hiện nay, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết phương thức vận hành hệ thống điện đang thay đổi linh hoạt để đáp ứng diễn biến thời tiết, thủy văn và nhu cầu sử dụng điện thực tế. Ví dụ, thay vì vận hành theo ngày (T+1), phương án điều độ được tính toán linh hoạt hơn, tức theo kế hoạch 12 giờ hoặc 6 giờ.

Để huy động tối ưu các nguồn điện hiện có, tập đoàn này cũng đàm phán và ký kết các hợp đồng mua bán điện với Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy thủy điện Sông Lô 7, Nậm Củm 3, Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 để bổ sung nguồn điện cho hệ thống. Ngoài ra, các nguồn điện chạy dầu phía Nam có chi phí cao cũng được huy động để đảm bảo đủ điện.

EVN cũng đàm phán với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) để tăng nguồn cung nhiên liệu than, khí.

Ngành điện cũng vận động khách hàng tiết kiệm 10% điện tại trụ sở và cơ quan làm việc, 50% tại các khu vực chiếu sáng công cộng và khuyến khích các hộ sử dụng điện sinh hoạt đặt nhiệt độ trên 26 độ C.

Sở Công Thương TP HCM cũng yêu cầu điện lực hạn chế tối đa cắt điện vào ban đêm và thời gian cao điểm nắng nóng trong ngày, tránh gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ gia đình.

Nguồn : vnexpress.net

TỐTĐã lưu TỐTKhông TỐT 0
0

Tin tức Onlinebank
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh
0