TP.HCM phản hồi về tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành
TP.HCM vừa phản hồi Đồng Nai về việc đề xuất giao địa phương này làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành.
UBND TP.HCM đề nghị Đồng Nai phối hợp Bộ GTVT đề xuất cấp thẩm quyền quyết định giao cơ quan thực hiện dự án đường sắt nhẹ; đảm bảo đúng thẩm quyền, phù hợp quy định về đầu tư, pháp luật. Nếu các đơn vị đảm bảo đầy đủ điều kiện trên, TP. HCM thống nhất đề xuất của tỉnh Đồng Nai.
Theo lãnh đạo thành phố, việc đầu tư dự án đường sắt nhẹ kết nối từ ga Thủ Thiêm đến cảng hàng không quốc tế Long Thành được đánh giá là phù hợp, cần thiết. Dự án nằm trong 9 tuyến đường sắt quy hoạch mới thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030.
Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM giai đoạn 2020-2030 và giai đoạn 2026-2030, thành phố sẽ đầu tư tuyến metro số 2 (giai đoạn 2), đoạn Bến Thành – Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương – Bến xe Tây Ninh. Do đó, nếu dự án tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành sẽ giúp kết nối giữa trung tâm TP.HCM với Đồng Nai.
Dự án này dài hơn 37km, có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (Tp. Thủ Đức) và điểm cuối tại sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Tổng mức đầu tư khoảng 40.500 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Trước đó, hai dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành và tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu cũng được UBND tỉnh Đồng Nai gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án.
Hai dự án trên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nằm trong danh mục quốc gia kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021 – 2025.
Khảo sát dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu: thu hồi hàng trăm hecta đất