Ngân hàng Thế giới World Bank và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence công bố Chỉ số CPPI (Container Port Performance Index – chỉ số hoạt động cảng container) cho 370 cảng container toàn cầu, bao gồm cảng Hub port trung tâm trung chuyển quốc tế và cảng cửa ngõ xuất nhập khẩu quốc gia.
Cảng quốc tế Cái Mép xếp thứ 11 trong danh sách cảng container tốt nhất thế giới
Cảng quốc tế Cái Mép được xếp hạng thứ 11 CPPI (theo cách tính thống kê trung bình tất cả 5 kích cỡ tàu), và đứng thứ 13 (theo cách tính kỹ thuật, cho trọng số cao hơn cho kích cỡ tàu phổ biến ở cảng đó).
Đặc biệt, cảng Cái Mép của Việt Nam được xếp hạng cao hơn 3 cảng trung chuyển (hub) lớn là PTP Malaysia (thứ 16), Singapore (thứ 31), Hồng Kông (thứ 38) và cảng Cái Mép xếp hạng trên cảng Yokohama – Nhật Bản (thứ 12).
Bảng xếp hạng này căn cứ trên các tiêu chí liên quan tới thời gian tàu container cần để hoàn thành việc bốc và dỡ container tại một cảng trong toàn bộ thời gian suốt năm 2021. Trong 370 cảng, các cảng khu vực Trung Đông chiếm các vị trí dẫn đầu.
Điểm sáng của chỉ số CPPI lần này chính là sự tiến bộ vượt bậc của các cảng Đông Á và Đông Nam Á do sản lượng xuất khẩu gia tăng đột biến trong thời gian dịch bệnh.
Chỉ số CPPI được tính trên các yếu tố liên quan tới thời gian tàu vào luồng, cập cảng, năng suất bốc và dỡ hàng lên xuống cảng cùng tổng lượng hàng/chuyến, tàu rời cảng ra luồng. Ngoài ra, 2 yếu tố cũng được tính toán là yếu tố tàu lớn (tiết kiệm nhiên liệu hơn) và yếu tố công nghệ thông tin-số hoá.
Tốc độ tăng trưởng đạt 20%/năm
Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) là cảng container nước sâu tại khu vực Cái Mép, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với diện tích 48 ha. CMIT có cầu cảng dài 600 m, có khả năng đón các tàu container có trọng tải lớn đạt 160.000 DWT.
Với hệ thống cơ sở vật chất vận hành và khai thác cảng hiện đại, CMIT có thể cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho các hãng tàu và khách hàng với thời gian nhanh nhất, thông qua các tuyến vận chuyển quốc tế trực tiếp từ Việt Nam đến các thị trường lớn như châu Á, châu Âu và châu Mỹ…
Theo thông tin từ Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng tại CMIT đạt khoảng 20%/năm.
Tính riêng 4 tháng đầu năm 2022, hàng hóa container qua CMIT đạt khoảng hơn 3 triệu Teus, bằng 106% so với cùng kỳ năm 2021 (hơn 2,89 triệu Teus).
Hiện nay, trên 60% sản lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng container đi qua các cảng biển. Trong bối cảnh thế giới đang khắc phục hậu quả do dịch COVID-19 gây ra trong năm 2021, việc công bố bảng xếp hạng các cảng container toàn cầu có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà xuất nhập khẩu, các hãng tàu, các bên cung cấp dịch vụ logistics mà còn có ý nghĩa với việc hoạch định chính sách của các quốc gia.
Nguồn: Báo Chính Phủ
Có thể bạn quan tâm:
- Đồ án quy hoạch Đảo Gò Găng – gắn liền sân bay Gò Găng
- Quốc Hội vừa bấm nút, Bà Rịa Vũng Tàu họp ngay bàn làm Cao Tốc
- Chủ trương dự án 17.837 tỷ cho Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu
- Vũng Tàu lập quy hoạch 1/500 các khu đất công để đấu giá
- Quốc Hội thông qua Chủ trương đầu tư Vành Đai 4 – vùng Hà Nội